Thứ Tư, 23 tháng 4, 2025

Chuyện tình buồn Lâm Triệu Anh - Vương Trùng Dương


Lâm Triệu Anh là người văn võ toàn tài, nhưng thất bại trong tình yêu (Minh hoạ của Chat GPT)

Bạch Y Ngũ Bút

(Dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung) - Trong võ lâm giang hồ của Kim Dung, có những môn phái, nhân vật dù chỉ thoáng qua, thậm chí không rõ thực hư, chỉ biết được do hậu thế nhắc lại, nhưng đã để lại trong lòng chúng ta những ấn tượng sâu sắc, những suy tư trăn trở về cuộc đời, tình yêu, nhân quả... Trong số ấy, có cô gái xinh đẹp tuyệt trần, thông minh sắc sảo và võ công tuyệt cao thuộc hàng đệ nhất thiên hạ. Tên nàng là Lâm Triệu Anh. Cuộc đời của nàng ngắn ngủi và kết thúc trong sự cô độc, cùng nỗi hận thù trong một ngôi mộ cổ trên núi Chung Nam. Bất hạnh của nàng là do số phận, đã xui khiến thế nào mà đem lòng yêu thương chàng trai tài giỏi võ công siêu quần Vương Trùng Dương - một người ... không có trái tim, không biết mê gái đẹp!
…..

Trong phần đầu tác phẩm Thần điêu hiệp lữ, nhiều năm sau Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất giữa các cao thủ trong võ lâm ngũ bá giành ngôi Thiên hạ đệ nhất võ lâm (mà Trung thần thông Vương Trùng Dương là người chiến thắng), chỉ qua lời kể của tuyệt sắc giai nhân Tiểu Long Nữ, chưởng môn đời thứ ba Cổ Mộ phái và trưởng lão chấp chính Khưu Xứ Cơ của Toàn Chân giáo, chúng ta được biết về sự ra đời của Toàn Chân giáo và môn phái Cổ Mộ. Thì ra đây là kết quả của sự tan vỡ mối quan hệ lạ lùng của đôi trai tài nữ sắc Vương Trùng Dương - Lâm Triệu Anh.

Bài thơ định mệnh

Gần ngôi cổ tự Toàn Chân giáo trên núi Chung Nam, có 16 câu thơ khắc bằng tay người in sâu vào vách đá. Trong đó 8 câu đầu như sau:

Tử Phòng chí vong Tần
Tằng tiến kiều hạ lý
Tá Hán khai hồng cử
Ngật nhiên thiên nhất trụ
Yếu bạn Xích Tùng du
Công thành phất y khứ
Dị nhân dữ dị thư
Tạo vật bất khinh phó

Dịch nghĩa:

Tử Phòng ôm mộng phản Tần
Nhặt hài ba lượt dưới chân thạch kiều
Một tay phò tá Hán triều
Chống trời trụ đất cao siêu không cùng
Công thành rũ áo ung dung
Lui về theo gót Xích Tùng ngao du
Kỳ nhân cùng với kỳ thư
Có đâu tìm kẻ thiên tư tầm thường

Tám câu thơ trên nói về nhân vật Trương Lương đời nhà Hán. Trương Lương ba lần nhặt giày cho một lão nhân dưới cầu; được truyền cho một quyển sách lạ. Về sau phò tá Hán Cao Tổ khai quốc, được tôn là một trong ba “Hán hưng tam kiệt”, cuối cùng lui về ẩn cư, làm bạn với những cây tùng đỏ.

Tám câu thơ trên do cô gái xinh đẹp tên Lâm Triệu Anh đã dùng ngón tay mà khắc chữ vào đá. Thật là công phu vô tiền khoáng hậu vậy. Nhưng bài thơ nàng viết không phải để ca ngợi bậc tiền nhân Trương Lương, mà ý tứ nói về chàng trai mình đem lòng mến mộ, yêu thương. Nàng viết là để thắng chàng trong một cuộc tỷ đấu như một cái bẫy do chính mình giăng, nhưng than ôi cũng chính nàng biết rõ mình sẽ thua trong tình yêu, không bao giờ chiếm được trái tim, trở thành hôn thê của chàng trai ấy: Vương Trùng Dương - thiên hạ đệ nhất võ lâm. Bài thơ vẫn còn mãi trên vách đá, minh chứng cho mối quan hệ tan vỡ giữa hai người.

Lâm Triệu Anh là ai?

Nàng là người lập ra môn phái Cổ Mộ. Khưu Xứ Cơ, đại đệ tử của Vương Trùng Dương gọi nàng là “vị nữ tiền bối”, nói về Lâm Triệu Anh như sau:

- Nàng là nhân vật kiệt xuất trong võ lâm,thân thế vô cùng đặc biệt, văn võ toàn tài, phiêu dật tuyệt luân, tuy không phải là thần tiên, song cũng là nhân kiệt trăm năm mới có.

- Vị tiền bối đó không phải là một trong bốn đại tông sư (Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái) nhưng luận về võ công người ấy còn cao hơn cả bốn đại tông sư, vì là nữ, không xuất đầu lộ diện, nên ít ai bên ngoài hay biết.

- Về diện mạo cũng như võ công, nàng đều vào hàng đệ nhất, mối thâm tình của nàng cũng không phải không khiến cho ân sư (Vương Trùng Dương) động tâm.

Còn đây là nhận xét của cậu bé Dương Quá về sư tổ bà bàkhi lần đầu theo Tiểu Long Nữ vào hậu sảnh trong nhà mộ làm lễ bái sư: 

“Thấy ở đó chẳng bày biện đồ đạc gì, chỉ có mấy bức vẽ chân dung treo trên hai bức tường đông tây. Trên bức tường bên tây treo bức vẽ chân dung hai cô nương. Cô nương thứ nhất hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, đang soi gương chải đầu. Cô nương thứ hai là a hoàn mười bốn mười lăm tuổi, tay bưng chậu rửa mặt, đứng hầu bên cạnh. Cô nương lớn tuổi hơn dung mạo cực đẹp, ánh mắt ẩn chứa sát khí. Dương Quá nhìn một chút, trong lòng bất giác nảy sinh sự kính phục”.

Như vậy, Lâm Triệu Anh sinh thời là một cô gái vô cùng xinh đẹp, phong cách thanh thoát thần tiên sắc sảo, văn võ toàn tài. Trên chốn giang hồ không ai biết về nàng.

“Hoạt tử nhân” Vương Trùng Dương là ai?

Vương Trùng Dương là người mà Lâm Triệu Anh đem lòng mến mộ, yêu thương. Vương Trùng Dương là tổ sư khai sáng giáo phái Toàn Chân. Sau đó, tại cuộc luận kiếm trên đỉnh núi Hoa Sơn, ông đứng đầu trong Võ lâm ngũ bá, được tôn vinh là đệ nhất võ công thiên hạ. 

Vương Trùng Dương không phải ngay từ đầu đã làm đạo sĩ. Thời niên thiếu học văn, sau mới luyện võ, là một vị anh hùng hảo hán tung hoành giang hồ, vì căm ghét quân Kim xâm lược, đã giương cờ khởi nghĩa đánh lại quân Kim. Nhưng về sau quân Kim quá mạnh, Vương Trùng Dương thua nhiều trận, tướng sĩ thương vong gần hết, mới phẫn chí xuất gia. Bấy giờ chàng xưng là “Hoạt tử nhân”, tìm đến ở trong một ngôi mộ cổ trên núi Chung Nam mấy năm liền, không ra khỏi mộ một bước, ngụ ý là tuy sống đấy, nhưng coi như đã chết. “Hoạt tử nhân” là hàm ý như vậy.

Dù nhiều cố nhân hảo hữu đến thăm, khuyên dựng lại sự nghiệp, Vương Trùng Dương thủy chung vẫn không rời mộ. Tám năm sau, một cô gái từng là kình địch ngày trước tới bên mộ nhục mạ suốt bảy ngày bảy đêm, Vuong Trùng Dương hết bề nhịn nổi, liền ra khỏi mộ để giao đấu. Ai ngờ người kia phá lên cười ha hả, nói: Đã ra khỏi mộ, tức là sống lại rồi, thì không được vào mộ nữa. Cô gái ấy chính là Lâm Triệu Anh.

Khi ấy Vương Trùng Dương bỗng ngộ ra, biết cô gái nhục mạ mình là vì thiện ý, không muốn mình chôn vùi tài nghệ trong mộ. Hai người thành bằng hữu.

Tình cảm không được đền đáp

Lâm Triệu Anh đối với Vương Trùng Dương rất có tình ý, chỉ mong kết thành phu phụ với chàng. Bấy giờ hai người cứ không ngừng gây sự với nhau, chẳng qua cũng vì nàng cố ý kiếm cớ gần gũi với chàng. Có điều nàng quá kiêu hãnh, nhất quyết không muốn thổ lộ tình ý trước.

Lâu ngày tất nhiên chàng cũng hiểu thôi, nhưng mối thù của đất nước chưa nguôi. Vương Trùng Dương thường nói: chưa diệt Hung nô, không tính chuyện gia thất. Trước thâm tình hậu ý của nàng chàng đành giả ngây không biết. Lâm Triệu Anh thì lại cho rằng chàng coi chê mình, nên oán hận vô cùng. Hai người vốn đã từ thù hóa thành bạn, bây giờ lại vì ái tình mà hóa thành thù địch. Cuối cùng hẹn nhau tỷ võ quyết thắng một phen trên núi Chung Nam.

Vương Trùng Dương biết rõ thiện ý của nàng, nên nhất mực nhường nhịn. Ai ngờ nàng ta tính nết ngang ngạnh, nói: Huynh càng nhường nhịn, tức là càng coi muội chẳng ra gì.



Vương Trùng Dương hết cách, đành phải động thủ với nàng. đấu mấy nghìn chiêu, chàng không nặng tay nên mãi vẫn khó phân thắng bại. Nàng tức giận, nói: Huynh hoàn toàn không có ý giao đấu với muội, vậy định coi muội là hạng người như thế nào?

Chàng nói: Tỷ võ khó phân thắng bại, thì ta tỷ văn vậy.

Nàng nói: Cũng được, nếu muội thua, suốt đời muội sẽ không nhìn mặt huynh, để cho huynh khỏi chướng mắt bẩn tai.

Chàng hỏi: Nếu muội thắng thì sao?

Nàng ta đỏ mặt, chẳng biết trả lời thế nào, cuối cùng nghiến răng, nói: Thì huynh phải cho muội trú trong “Hoạt tử nhân mộ”.

Câu này của nàng thật là văn vẻ, ngụ ý là nếu nàng thắng, thì sẽ cùng chàng chung sống trong ngôi mộ. Nàng đã ngỏ lời, vượt qua sự mắc cỡ, lòng kiêu hãnh của một cô gái tự biết giá trị của mình.

Khi ấy Vương Trùng Dương thấy quá khó, tự liệu võ công cao hơn nàng một bậc, bị buộc thế này thì đành phải thắng nàng, để tránh mọi sự rắc rối về sau, bèn hỏi nàng cách thi đấu.

Nàng nói: Hôm nay chúng ta mệt rồi, tối mai hãy phân thắng bại.

Hoàng hôn hôm sau, hai người lại gặp nhau. Nàng nói: Trước khi thi đấu, hãy định qui củ đã.

Ân sư hỏi: Còn định qui củ gì nữa?

Nàng nói: Nếu huynh đắc thắng, muội sẽ tự vẫn tại chỗ, thế là không bao giờ còn thấy mặt nhau. Nếu muội thắng, thì huynh phải cho muội trú trong “hoạt tử nhân mộ”, suốt đời nghe muội sai bảo, không được làm trái bất cứ việc gì. Nếu không, huynh sẽ phải xuất gia, hoặc làm đạo sĩ, hoặc làm hòa thượng. Dù làm đạo sĩ hay hòa thượng, thì cũng phải xây dựng tự quán trên núi, ở bên muội mười năm.

Vương Trùng Dương đã hiểu thầm: “Suốt đời nghe muội sai bảo, tức là ta phải lấy nàng làm vợ. Nếu không, phải làm hòa thượng hoặc đạo sĩ, thì sẽ khỏi phải lấy nàng. Ta nỡ nào thắng nàng, buộc nàng tự sát kia chứ? Nhưng ở trên núi với nàng mười năm thì cũng khó đây!”.

Chàng cứ lưỡng lự mãi. Thực ra, về diện mạo cũng như võ công, nàng ta đều vào hàng đệ nhất, mối thâm tình của nàng cũng không phải không khiến cho ân sư động tâm; nhưng chẳng hiểu sao, nói đến chuyện kết thành phu phụ, thì dường như hai người không có duyên phận. Ân sư trầm ngâm hồi lâu, đã quyết định, người này nói sao làm vậy nàng ta mà thua ắt sẽ tự sát; thôi thì ta quên mình theo người, bất kể thi kiểu gì, ta cũng thua nàng cho rồi, bèn nói: Được, cứ thế.

Nàng nói: Cách thi văn của chúng ta cực dễ. Hai bên dùng ngón tay khắc trên tảng đá này vài chữ, ai viết đẹp hơn thì thắng. Nếu muội làm được, thì huynh chịu thua chứ?

Vương Trùng Dương khi ấy lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nghĩ bụng thế gian quyết không thể có chuyện đó, đây chính là dịp chấm dứt trò thi đấu, thành cục diện bất phân thắng bại, bèn nói: Nếu muội có tài như vậy, dĩ nhiên là huynh chịu thua. Nếu muội không làm được, thì hai ta bất phân cao thấp, khỏi cần tỷ thí gì nữa.

Nàng ta cười, nói: Được rồi, huynh chuẩn bị làm đạo sĩ đi thì vừa.

Nói xong tay trái nàng xoa xoa trên mặt đá một hồi lâu, ngẫm nghĩ, nói: Muội nên khắc chữ gì cho hay nhỉ? Ồ, xưa nay người xuất gia, thì vị anh hùng hào kiệt số một là Trương Tử Phòng. Trương Tử Phòng chống quân Tần tàn bạo, không ham danh lợi, chính là tiền bối của huynh.

Thế là nàng dùng ngón trỏ tay phải viết chữ trên đá, ân sư thấy ngón tay nàng đưa tới đâu, vụn đá rơi lả tả tới đó, quả nhiên thành từng hàng chữ một, thì sửng sốt quá đỗi. Những chữ nàng viết trên đá chính là tám câu đầu của bài thơ.

Vương Trùng Dương quá thán phục, không còn gì để nói, ngay tối hôm đó, dọn ra khỏi “hoạt tử nhân mộ”, để cho nàng vào ở trong đó. Hôm sau thì chàng xuất gia làm đạo sĩ, cạnh “hoạt tử nhân mộ” xây dựng một đạo quán nho nhỏ, là tiền thân của cung Trùng Dương của Toàn Chân giáo.

Dùng thủ đoạn mong được thành phu phụ

Nhưng thật bất ngờ và thú vị, công phu kinh hồn dùng ngón tay khắc chữ vào đá của Lâm Triệu Anh thực ra là trò lừa mà Vương Trùng Dương đã không phát hiện ra.

Chỉ sau này khi bậc túc trí đa mưu Đông tà Hoàng Dược Sư trong một lần ghé thăm Vương Trùng Dương mới chỉ ra rằng vị nữ tiền bối kia trước khi dùng ngón tay viết chữ, đã dùng bàn tay trái xoa xoa hồi lâu trên mặt đá, nguyên trong lòng bàn tay có giấu một loại “hóa thạch đan” làm cho mặt đá mềm đi, bằng thời gian cháy hết một que nhang mới cứng trở lại.

Nhưng khi Vương Trùng Dương biết được điều ấy, thì nàng đã là người thiên cổ hàng chục năm rồi. Chàng còn bụng dạ nào nữa mà đến hơn thua với nàng hay đòi lại ngôi nhà mộ.

Vương Trùng Dương hồi mới làm đạo sĩ lại mất ngôi nhà mộ quý giá, trong tâm hết sức bất bình, nhưng đọc nhiều sách đạo rồi, cuối cùng đại triệt đại ngộ, hiểu rằng tất cả đều là duyên pháp; lại nghiền ngẫm diệu chỉ thanh tịnh hư vô, khổ tâm tiềm tu, làm sáng danh giáo phái.

Nếu không có sự kích động của Lâm Triều Anh, hẳn trên thế gian đã chẳng có giáo phái Toàn Chân vậy. Để tránh hiềm khích vương vấn về sau, Vương Trùng Dương di huấn bất cứ ai là môn hạ của phái Toàn Chân đều không được bước vào trong nhà mộ.

Lâm Triệu Anh sau khi lấy được ngôi cổ mộ từ Vương Trùng Dương, đã vào ở và không bao giờ ra ngoài nữa. Chính là nàng đã thay thế Vương Trùng Dương để trở thành hoạt tử nhân vậy. Số phận mới trớ trêu làm sao.

Đối với mối tình si của mình, nàng thu thập được một bức chân dung Vương Trùng Dương treo lên vách tường hướng đông. Nhưng có lẽ tình cảm xưa đã thay thế bằng nỗi hận thù uẩn ức, nên nàng thậm chí không thèm vẽ mặt mà chỉ vẽ cái lưng, và đưa ra quy củ là các đệ tử về sau mỗi lần vái sư tổ thì còn phải “nhổ nước bọt vào gã đạo sỹ đó”.

Đoạn mô tả trong tác phẩm đọc thấy khá tức cười, bất ngờ:

Tiểu Long Nữ chỉ bức chân dung treo trên bức tường bên đông, nói:

- Ngươi hãy nhổ nước bọt vào gã đạo sĩ đó.

Dương Quá nhìn, thấy bức chân dung vẽ một đạo sĩ thân hình cao lớn, lưng đeo trường kiếm, ngón trỏ tay phải chỉ về góc đông bắc, có điều là đạo sĩ quay lưng lại nên không thấy mặt. Dương Quá rất lạ, hỏi:

- Người này là ai? Sao lại phỉ nhổ y?

Tiểu Long Nữ nói:

- Đây là giáo chủ giáo phái Toàn Chân Vương Trùng Dương, môn phái chúng ta có một qui củ, sau khi vái tổ sư bà bà, thì phải phỉ nhổ hắn.

Dương Quá hỏi:

- Tổ sư bà bà của chúng ta hận Vương Trùng Dương lắm phải không?

Tiểu Long Nữ nói:

- Đúng vậy.

Dương Quá nói:

- Đệ tử cũng thế. Tại sao không hủy bức chân dung hắn đi, còn treo ở đây?

Tiểu Long Nữ nói:

- Ta cũng không biết, chỉ nghe sư phụ và Tôn bà bà bảo rằng nam tử trong thiên hạ không có lấy một người tốt.

Đột nhiên nàng nghiêm giọng, nói:

- Sau này ngươi lớn lên, liệu hồn đừng có làm việc xấu, ta sẽ không tha cho đâu.

Dương Quá nói:

- Dĩ nhiên là cô cô sẽ tha cho đệ tử.

Tiểu Long Nữ định dọa nó để ngăn chặn, nào ngờ nó lại trả lời như vậy, cũng chưa biết bắt bẻ nó thế nào, bèn quát: Mau vái sư phụ.
….

Cảm nhận:

Hẳn nhiều người trong chúng ta cảm thấy tiếc cho đôi trai tài gái sắc Lâm Triệu Anh - Vương Trùng Dương. Họ rất xứng đôi với nhau, đều là những người coi trọng chữ tín, chữ tình, vậy mà không đến được với nhau.

Vì yêu nàng đã nhiều lần vượt qua nỗi e ngại và tự tôn của người con gái, mạnh dạn bày tỏ tình cảm, nỗi niềm một cách tinh tế, sâu sắc, sắt son. Nàng đã dành thật nhiều thời gian, công sức, mưu kế.

Chả lẽ nào chỉ vì lý do chưa diệt hết Hung nô thì chưa nghĩ chuyện gia thất, mà Vương Trùng Dương khước từ tình yêu tha thiết của Lâm Triệu Anh? Cũng lý do như vậy, mà sao giáo chủ Minh Giáo Trương Vô Kỵ đã bỏ công danh sự nghiệp vui vầy với Triệu Mẫn công chúa trong Ỷ thiên đồ long ký? Vương Trùng Dương là người không có trái tim, không biết yêu con gái?

Vì tan nát con tim, mà trong lòng người con gái phát sinh sự hận thù vô lý và cực đoan với đàn ông. Nàng không tin trên đời này có đàn ông tốt, tất cả đều là những kẻ xấu xa. Phải chi Lâm Triệu Anh hành hiệp giang hồ mà gặp Bắc cái Hồng Thất Công nhỉ? Một người võ công cao cường, đàng hoàng, cũng suốt đời rong ruổi trong cô độc vì không gặp được người con gái phù hợp: thông minh và xinh đẹp.

Câu hồng nhan bạc phận có lẽ đúng. Nhưng Lâm Triệu Anh là kiểu người giống như Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ - chỉ yêu một người, yêu một lần trong cuộc đời, hoặc là chết trong đau khổ vì tình yêu tan vỡ.

Lâm Triệu Anh giỏi võ công, chăm chỉ luyện võ cũng chỉ vì muốn được yêu, được gần gũi, được tỷ thí với người mình yêu, hoàn toàn không hành hiệp giang hồ. Cũng chỉ vì yêu và thất bại trong tình yêu, nàng đã tự biến thành hoạt tử nhân, suốt đời không ra khỏi ngôi nhà mộ, ôm ấp mối hận thù và cũng có thể là một niềm hy vọng là sẽ có một ngày thành toại với Vương Trùng Dương. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Giờ đây, hai con người ấy đã trong một thế giới khác, biết đâu ở kiếp đó họ sẽ đến được với nhau.
.....

Cổ Mộ phái




Lâm Triệu Anh bình sinh không thu nhận đệ tử, chỉ có một a hoàn hầu cận, hai người khổ thủ ở trong nhà mộ, hơn mười năm không ra ngoài. Bao nhiêu võ công kinh nhân nàng đều truyền thụ cả cho a hoàn. Nữ a hoàn ấy không đặt chân vào chốn giang hồ, dĩ nhiên cũng không ai hay biết.

Nữ a hoàn đó chính là Chưởng môn đời thứ hai của Cổ Mộ phái, nàng thu nhận hai đệ tử đều là nữ. Một người là Xích Luyện Tiên Tử Lý Mạc Sầu, người thứ hai là thiếu nữ họ Long, tuổi vừa tròn 18, xinh đẹp tuyệt luân, giang hồ gọi là Tiểu Long Nữ.

Lý Mạc Sầu tính nết tàn độc, về sau cũng vì thất tình mà giết người hàng loạt, gây một phen sóng gió ngả nghiêng trong giang hồ.

Trước khi lìa trần, người a hoàn của Lâm Triệu Anh đã chọn Tiểu Long Nữ làm chưởng môn đời thứ ba.

Về tên phái vì sao là Cổ Mộ, theo lời Tiểu Long Nữ thì: Từ khi Tổ sư bà bà nhập cư “Hoạt tử nhân mộ” đến nay, không hề giao thiệp với các nhân vật võ lâm, môn phái của chúng ta cũng chẳng mang tên gọi nào. Sau Lý sư tỷ ra ngoài hành tẩu giang hồ, người ta gọi nàng là đệ tử “phái Cổ Mộ”, vậy ta cứ gọi là “phái Cổ Mộ” thì được.

Cổ Mộ phái rất nhỏ, trước sau chỉ chưa tới mười môn hạ, nhưng đầy màu sắc huyền thoại, là biểu tượng của sự cô tịch, tình yêu tuyệt đối và võ học sâu thẳm. Dù ít người, nhưng nhờ Lâm Triều Anh, Tiểu Long Nữ và Dương Quá, Cổ Mộ phái đã trở thành một trong những môn phái ấn tượng và được yêu thích nhất trong “vũ trụ kiếm hiệp Kim Dung”.
.......

Kiếm hiệp Kim Dung:




Vũ trụ giả lập