Thứ Tư, 7 tháng 5, 2025

Giao dịch dân sự; Hợp đồng dân sự là gì?


Mua bán nhà là một giao dịch dân sự, cũng là một loại hợp đồng dân sự rất phổ biến. Pháp luật quy định các bên mua bán nhà phải ký hợp đồng (minh hoạ của Chat GPT)

Luật sư Trần Hồng Phong

Trong đời sống hằng ngày, từ việc vay tiền bạn bè, mua bán nhà đất, đến thuê xe, thuê nhà… chính là những “giao dịch dân sự” hoặc “hợp đồng dân sự”, là sự giao kết, thoả thuận giữa các bên. Vậy giao dịch dân sự là gì? hợp đồng dân sự là gì? Các vấn đề pháp lý liên quan và cần lưu ý gì khi tham gia giao dịch dân sự?

I. Quy định pháp luật

Bộ luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự. Trong khi đó, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp dân sự (tranh chấp về giao dịch, hợp đồng dân sự).

Các văn bản pháp luật liên quan đến giao dịch dân sự:

- Luật Công chứng 2014 (liên quan hợp đồng có công chứng)

- Luật Nhà ở, Luật Đất đai (với hợp đồng nhà đất)

- Luật Thương mại (khi là hợp đồng có yếu tố kinh doanh)

II. Giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự

1. Giao dịch dân sự là gì?

Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Như vậy, hợp đồng dân sự chính là một hình thức của giao dịch dân sự. 

Lưu ý:

- Hợp đồng: là sự thỏa thuận giữa hai bên trở lên.

- Hành vi pháp lý đơn phương: do một người (có năng lực hành vi dân sự thực hiện) như: lập di chúc, từ chối nhận di sản…

Ví dụ:

- Hai bên ký hợp đồng mua bán xe máy → đây là giao dịch dân sự song phương giữa hai bên (bên mua và bên bán).

- Tặng quà cho người khác → đây là giao dịch đơn phương. Người có tài sản thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản của mình.

2. Hợp đồng dân sự là gì?

Theo Điều 385 Bộ luật dân sự  2015:

“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng. Hợp đồng dân sự thường có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng; (ví dụ: mua bán xe ô tô, xe ô tô là đối tượng)

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.

* Các loại hợp đồng dân sự  chủ yếu:

1. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.

2. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.

3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.

4. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.

5. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.

6. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.

* Phụ lục hợp đồng:

1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

* Các loại hợp đồng phổ biến:

- Hợp đồng mua bán tài sản (nhà, xe, đất…)

- Hợp đồng vay tài sản

- Hợp đồng thuê nhà

- Hợp đồng ủy quyền

- Hợp đồng tặng cho, hợp tác, vận chuyển…

III. Hiệu lực của giao dịch dân sự

Theo Điều 117 BLDS 2015, một giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện:

- Chủ thể (bên tham gia giao dịch) có năng lực hành vi dân sự

- Tự nguyện

- Mục đích và nội dung không vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội

- Hình thức hợp đồng phù hợp quy định pháp luật (ví dụ: mua bán nhà phải công chứng)

Ví dụ minh họa

Ví dụ 1: Ông A ký hợp đồng bán nhà cho ông B, nhưng ông A không phải là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà. Giao dịch này vô hiệu vì không đúng chủ thể.

Ví dụ 2: Doanh nghiệp X ký hợp đồng dân sự với một cá nhân nhưng không có chữ ký của người đại diện pháp luật hay người được ủy quyền hợp pháp. Khi xảy ra tranh chấp, hợp đồng có thể bị tuyên không có hiệu lực.

IV. Lưu ý khi tham gia giao dịch dân sự  

- Cần hiểu rõ bản chất, mục đích của giao dịch, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trước khi ký kết hợp đồng.

- Kiểm tra tư cách chủ thể, năng lực pháp lý của các bên, tránh giao dịch bị vô hiệu.

- Mọi giao dịch dân sự nói chung luôn nên lập thành văn bản rõ ràng, có chữ ký của các bên, ngày tháng ký kết và lưu giữ đầy đủ, cẩn thận lâu dài.

- Với các giao dịch có giá trị lớn, quan trọng (mua bán nhà đất, cho vay số tiền lớn, di chúc…), nên nhờ luật sư tư vấn, ký kết tại phòng công chứng.

- Nếu xảy ra tranh chấp, việc giao dịch có đủ điều kiện hiệu lực hay không sẽ là căn cứ để Tòa án xem xét, bảo vệ quyền lợi của bạn.
......

Bài liên quan:



Vũ trụ giả lập