Thứ Hai, 5 tháng 5, 2025

Hướng dẫn cách viết đơn khiếu nại, tố giác


Viết đơn không khó, quan trọng nhất là chứng cứ và cơ sở pháp lý rõ ràng (minh hoạ của Chat GPT)

Luật sư Trần Hồng Phong

Viết một lá đơn khiếu nại hay tố giác, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình có lẽ là điều ai cũng sẽ phải nhiều lần trải qua trong cuộc đời, dù không mong muốn. Bài viết này hướng dẫn quý vị cách viết một lá đơn bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu và hiệu quả.

I. Căn cứ pháp lý việc làm đơn khiếu nại, tố giác:

Việc khiếu nại, tố giác là quyền của công dân và được pháp luật bảo vệ. Khi viết đơn khiếu nại hoặc tố giác, cần căn cứ vào các quy định sau:

1. Khiếu nại:


• Luật Khiếu nại 2011 (sửa đổi, bổ sung 2019).

• Nghị định 124/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại.

• Luật Tố tụng hành chính 2015 (nếu khiếu nại liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính).

2. Tố giác tội phạm:

• Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) – Điều 144 về quyền tố giác tội phạm.

• Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Điều 145 về trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm.

• Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 – nếu tố giác liên quan đến tham nhũng.

II. Bố cục đơn khiếu nại, tố giác

Đơn khiếu nại, tố giác (và các loại đơn từ khác, nói chung) phải đảm bảo đúng về hình thức, nội dung rõ ràng dễ hiểu, có căn cứ pháp lý và bằng chứng xác thực để chứng minh nội dung, yêu cầu trình bày trong đơn. Kèm đó là các tài liệu, chứng cứ đính kèm.

Bố cục một lá đơn gồm 4 phần chính như sau:

📌 PHẦN 1: Tiêu đề, ngày gửi, cơ quan tiếp nhận/giải quyết, thông tin người gửi & người bị khiếu nại/tố giác

1️⃣ Tiêu đề, ngày gửi: 

Ghi rõ: “ĐƠN KHIẾU NẠI” hoặc “ĐƠN TỐ GIÁC” (tùy theo nội dung). Có thể ghi thêm phần nội dung chính dưới tiêu đề để dễ nắm bắt hơn. Chẳng hạn: Đơn tố giác - về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phía trên tiêu đề đơn nhớ ghi quốc hiệu: CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. 

Ngày gửi: ghi địa danh nơi làm đơn, ngày ký đơn. Vd: TP. HCM ngày 20/5/2025. Ngày gửi nên ghi ngay dưới dòng quốc hiệu, góc trên bên phải để dễ thấy.

Lưu ý: Đơn khiếu nại, tố cáo do cá nhân viết không cần ghi số hiệu đơn như kiểu văn bản hành chính.

2️⃣ Cơ quan tiếp nhận/giải quyết:

Ghi chữ: Kính gửi: - CƠ QUAN TIẾP NHẬN/GIẢI QUYẾT

Lưu ý:  

- Nếu là đơn khiếu nại, gửi đến cơ quan đã ban hành quyết định bị khiếu nại, thủ trưởng cơ quan hoặc cơ quan cấp trên của cơ quan bị khiếu nại. Vấn đề này quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo. 

- Nếu là đơn tố giác tội phạm, gửi đến cơ quan điều tra Công an, Viện kiểm sát địa phương, hoặc cơ quan có thẩm quyền điều tra. Vấn đề này quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.

Ví dụ:

• Nếu tố giác hành vi lừa đảo: Gửi Cơ quan CSĐT Công an địa phương nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi người bị tố giác cư trú.

• Nếu là đơn khiếu nại quyết định hành chính: Gửi Chủ tịch UBND địa phương hoặc Thủ trưởng cơ quan.

3️⃣ Thông tin người gửi đơn khiếu nại, tố giác & Người/cơ quan bị khiếu nại/tố giác:

Nên ghi rõ như sau: 

* Người tố giác/khiếu nại: Họ và tên: XXX, năm sinh: YYY

- Số CCCD, ngày cấp.

- Địa chỉ thường trú.

- Số điện thoại liên hệ và email (nếu có)

Ghi chú: các thông tin trên phải bảo đảm chính xác để nhận được phản hồi, liên hệ.

* Người bị tố giác/khiếu nại: Họ và tên: Nguyễn Văn A, chức vụ: Nhân viên phòng thuế quận x. Hoặc: tên Cơ quan/tổ chức bị khiếu nại.

Địa chỉ:

Điện thoại:

Để kết thúc phần 1, thường có câu nêu lý do và nhấn mạnh như sau:

"Hôm nay chúng tôi làm đơn này, khiếu nại việc ông Nguyễn Văn A có hành vi ...."

Cụ thể như sau:"

📌 PHẦN 2: Tóm tắt nội dung sự việc, cơ sở pháp lý

1️⃣ Tóm tắt ngắn gọn sự việc theo trình tự thời gian:

• Kể lại sự việc xảy ra khi nào, ở đâu, có những ai liên quan.

• Mô tả hành vi vi phạm, quyết định hành chính bị khiếu nại hoặc hành vi tội phạm bị tố giác.

Ví dụ 1 – Khiếu nại quyết định hành chính:

“Tôi là Nguyễn Văn A, ngày 01/03/2024 nhận được quyết định xử phạt hành chính số 123 của UBND phường X về hành vi xây dựng trái phép. Tuy nhiên, tôi có giấy phép xây dựng hợp pháp số x ngày y, nên tôi không đồng ý với quyết định này.”

Ví dụ 2 – Tố giác tội phạm:

“Ngày 15/02/2024, tôi bị đối tượng Trần Văn B lừa đảo chiếm đoạt 500 triệu đồng bằng thủ đoạn hứa bán đất nền tại dự án X. Tôi đã nhiều lần liên hệ nhưng đối tượng không trả tiền.”

2️⃣ Cơ sở pháp lý:

• Trích dẫn các quy định của pháp luật có liên quan để chứng minh hành vi vi phạm.

Ví dụ – Tố giác hành vi lừa đảo:

• Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi của ông B có dấu hiệu “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn.

3️⃣ Chứng cứ kèm theo:

• Hợp đồng, giấy biên nhận, hình ảnh, tin nhắn, email, video ghi lại sự việc, lời khai nhân chứng.

Ví dụ: Kèm theo hợp đồng đặt cọc, biên lai chuyển tiền để chứng minh bị lừa đảo.

📌 PHẦN 3: Nội dung khiếu nại, tố giác; đề nghị của người gửi đơn 

Mở đầu phần này, có thể những câu đệm như sau:

"Kính thưa Quý cơ quan, 

Qua nội dung trình bày ở trên, nay chúng tôi có đơn này, ...

1️⃣ Nội dung khiếu nại/tố giác:

Ghi cụ thể:

• Yêu cầu xem xét lại quyết định x; khiếu nại hành vi y của ông A.

• Yêu cầu xử lý/khởi tố hành vi vi phạm của người bị tố giác.

2️⃣ Kiến nghị, đề nghị:

• Đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật, đề nghị buộc ông A phải xin lỗi, bồi thường.

• Nếu là đơn tố giác tội phạm: đề nghị cơ quan công an khởi tố điều tra, xử lý theo quy định; kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn không cho ông A bán tài sản.

• Nếu là đơn khiếu nại: yêu cầu hủy bỏ quyết định X, khắc phục hậu quả.

Ví dụ 1 – Khiếu nại:

“Đề nghị UBND phường X xem xét lại quyết định xử phạt, hủy bỏ Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày x vì tôi có đủ giấy phép xây dựng hợp pháp.”

Ví dụ 2 – Tố giác:

“Đề nghị Cơ quan CSĐT công an khởi tố vụ án, điều tra hành vi lừa đảo của ông Trần Văn B, buộc ông B trả lại số tiền 500 triệu đồng cho tôi.”

> Nội dung đề nghị, kiến nghị có thể tô đậm để nổi bật.

> Kết thúc là câu cám ơn. Ví dụ: Tôi cam đoan nội dung trình bày trên là đúng sự thật. Kính đề nghị sớm được xem xét, giải quyết. Xin chân thành cám ơn.

> Ký, ghi rõ họ tên.

📌 PHẦN 4: Tài liệu đính kèm đơn

Danh mục chứng cứ kèm theo đơn để làm căn cứ giải quyết. Ghi rõ bản sao, bản gốc; đánh số thứ tự.

Cùng đó, đính kèm các tài liệu trên, gửi cùng đơn.

Ví dụ:

1. Hợp đồng đặt cọc mua đất (bản sao công chứng).

2. Biên lai chuyển khoản ngân hàng.

3. Tin nhắn điện thoại trao đổi với bị cáo (ảnh chụp lại màn hình)

III. Lưu ý về trình bày, văn phong, hình thức

📌 1. Hình thức: 

Viết trên khổ A4, nên đánh máy, in một mặt. Chừa lề trái rộng (khoảng 2,5-3cm).

• Tiêu đề đơn viết in hoa, đậm (“ĐƠN KHIẾU NẠI”, “ĐƠN TỐ GIÁC”).

• Đánh số trang, mục rõ ràng.

📌 2. Văn phong: 

- Trang trọng, lịch sự, ngắn gọn, mạch lạc. 

- Thông tin, số liệu chính xác, rõ ràng.

- Không viết kiểu lan man, cảm xúc cá nhân, chỉ tập trung vào sự kiện và căn cứ pháp lý. Không suy đoán, nhận định đúng sai một cách chủ quan. 

- Tránh dùng từ mang tính xúc phạm hoặc quy kết tội danh đối với người bị khiếu nại, tố giác. Chỉ đề nghị, yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết, làm rõ.

IV. Kết luận

✅ Đơn khiếu nại/tố giác cần đảm bảo đúng bố cục dễ hiểu, câu chữ ngắn gọn, nêu đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ cụ thể để chứng minh làm rõ nội dung trình bày. 

✅  Tuyệt đối không bịa đặt nội dung, không chủ quan vu khống, quy chụp nếu không có cơ sở chứng minh chắc chắn. Có thể bị tố ngược về tội vu khống.

✅ Khi gửi đơn, nên tìm hiểu và gửi đúng cơ quan có thẩm quyền để việc giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Cũng cần quan tâm đến thời hiệu gửi đơn (là quãng thời gian mà luật cho phép được quyền gửi đơn khiếu nại, tố giác).

✅ Nếu vụ việc phức tạp, cần có luật sư hỗ trợ, tư vấn để đảm bảo hiệu quả, an toàn.

✅ Đơn khiếu nại, tố giác có thể gửi trực tiếp (nhớ lấy "Biên nhận nhận đơn" do nơi nhận cấp) hoặc gửi qua bưu điện.

Hy vọng bài viết sẽ giúp quý vị tự mình có thể viết một lá đơn chuẩn và hiệu quả. Quý vị nên tham khảo thêm các mẫu đơn trong mục Biểu mẫu.
......

Bài liên quan:



Vũ trụ giả lập